Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Chưa bao giờ


Sài Gòn, mùa đầy nắng.

Ở thành phố nhộn nhịp này, không khi nào nhịp sống hối hả bớt đi. Tôi đã từng đi, từng có cơ hội được sống ở những thành phố khác nhau. Nhưng Sài gòn luôn khiến tôi cảm thấy có gì đậm nét, mang hơi thở của thành phố hiện đại. Ở đấy con người cần năng động hơn, guồng quay cuộc sống cũng nhanh hơn. Khiến tất thảy đều vội vàng hơn với cuộc sống đang trôi từng ngày.

Tôi đến nơi này từ khi vừa tốt nghiệp, để tìm kiếm cơ hội. Nhưng đúng hơn, tôi đến đây để rời xa một nơi đem đến nhiều ký ức đau buồn. Tôi sống một mình giữa thành phố này, sâu trong con hẻm trên đường Tô Hiến Thành. Cách đường lớn vài trăm mét, nhưng nơi tôi ở cũng có sự tĩnh lặng, bình yên rất riêng. Một ngày trôi qua, tôi không cảm thấy cô đơn. Cho đến khi màn đêm buông xuống, tôi muốn tâm sự, lắng nghe ai đó… Nhưng khi ấy, tôi không biết ai là người sẽ nói chuyện cùng.

Tôi thích những cơn mưa bất chợt của nơi đây, chợt đến và chợt đi như những kỷ niệm của thời thanh xuân đầy ngây dại. Những phút rảnh rỗi, từ tầng sáu của văn phòng, tôi thường đưa tay chạm khẽ tới từng giọt mưa. Chẳng biết, cũng chẳng thể nhớ tại sao cứ mỗi lần đưa tay hứng những giọt mưa, trong tôi lại bồi hồi và da diết lạc vào khoảng không của mảng ký ức còn sót lại.

Chắc chắn, tôi chẳng còn nhớ được điều gì rõ ràng. Sau những năm tháng sống tại Sài Gòn, theo thời gian tôi đã quen với suy nghĩ, chỉ còn công việc trong cuộc sống, ngoài ra không còn điều gì khác tồn tại. Chẳng còn thú vui nào hay hơn được ngồi uống café, thả mình trong khúc nhạc du dương và chìm đắm trong những cuốn sách.
Hai mươi bảy tuổi, không còn những cảm xúc chới với nghĩ suy đến tình yêu. Cũng chẳng muốn có tình yêu tồn tại trong đời. Trái tim cũng chẳng có những nhịp đập chênh vênh theo cảm xúc. Xung quanh bạn bè đã ấm êm bên gia đình nhỏ, không còn những xô bồ, ồn ã, vội vàng bên những quán nhậu.
Họ hàng, người thân sẽ quan tâm hàng đầu tới việc khi nào kết hôn, hơn là việc hỏi han về công việc. Họ sẽ không thể nào hiểu, cũng chẳng muốn hiểu lý do tại sao chưa có người yêu và chưa kết hôn. Điều quan tâm hàng đầu của họ là đặt những câu hỏi, cũng có khi chẳng cần đợi những câu trả lời.
Chủ nhật. Ngày hiếm hoi để không phải nghĩ tới những deadline, tăng ca, để có thể thảnh thơi ngồi uống ly café trong quán Windhill Coffee & Tea. Tôi thích ngồi đây, thả lỏng cơ thể, chẳng phải vất vả suy nghĩ tới bất kỳ chuyện gì sẽ xảy đến trong đời. Cứ vậy, yên bình trôi qua trong sự cô đơn.
Trời mưa. Cơn mưa kéo đến bất chợt, phá tan những suy nghĩ miên man, đầy mơ mộng, khiến lần đầu tiên trong đời tôi nguyền rủa tiếng mưa. Bước ra cửa quán, đưa tay hứng những giọt mưa và như bao lần tôi tự hỏi lòng mình, có điều gì chưa thể quên? Đôi mắt của tôi cứ thế thẫn thờ nhìn cả con phố, cho đến khi bắt gặp một cô gái đang nép mình trong chiếc dù bên siêu thị đối diện.
Cô ấy là ai? Tôi tự hỏi mình đến ba lần câu hỏi ấy. Mồ hôi trên khuôn mặt của tôi ướt đẫm, đôi chân nặng như đeo chì, đôi tay đang run run cố bám víu lấy cửa kính. Tôi cứ đứng đấy, cảm giác như toàn bộ thời gian của những chiếc đồng hồ trong quán đang dừng lại. Cho đến khi cô ấy bước lên xe taxi mới đến, tôi mới chợt bừng tỉnh và lao nhanh giữa cơn mưa.
Đôi tay của tôi cố đưa lên để vẫy gọi, nhưng càng làm vậy, chiếc xe taxi càng lao nhanh hơn. Trong sự bất lực đến tuyệt vọng, tôi thả mình giữa cơn mưa trên phố Nguyễn Trọng Tuyển, những tiếng mưa, những âm thanh từ xa xưa vọng lại giày xéo, ghì chặt lấy nỗi nhớ mãi xa xôi.
Cô ấy đã rời xa, một lần nữa rời xa mãi mãi… Đôi mi của tôi ướt đẫm, chẳng thể nào phân biệt được những giọt mưa hay những giọt nước mắt được nữa. Tôi thấy nhớ… nhớ cô ấy đến da diết và vô bờ bến. Cô ấy đã mang hết theo những tin yêu cả một đời còn sót lại, tan biến. Những năm tháng tuổi thanh xuân nhức nhối cứ thế giày vò, trào về ngay lúc này, khiến tôi nhớ được những gì đã xảy ra.
Cô ấy là một câu chuyện dài.

Sóc Trăng, mùa bão nổi.

Trời bắt đầu se lạnh, khoác chiếc áo mỏng lên người, tôi đi dạo trên những con phố yên bình. Tôi sinh ra ở miền bắc, đã trải qua hơn hai mươi mùa đông giá lạnh. Không nghĩ rằng, ở một nơi chỉ có hai mùa, tôi thấy buốt giá một cách lạ thường. Tìm một quán nhậu ồn ã, tôi ngồi đấy và chờ đợi tiếng chuông điện thoại reo. Chờ đợi thông báo mới nhất về chuyến đi ra đảo vào sáng mai.

Vượt qua hàng trăm cây số để đến đây, tôi đi tìm điều gì đó chưa làm được ở tuổi thanh xuân. Tôi không quay trở về công ty sau chuyến công tác. Vậy mà khi vừa đặt chân đến nơi này, tổng đài viên của tàu Superdong thông báo, tôi chỉ có hai mươi phần trăm cơ hội để có chuyến đi ra Côn đảo vào sáng mai.

Tôi hồi hộp nghe bản tin thời sự thông báo tình hình của cơn bão Tembin. Gần như cơ hội ra đảo của tôi vào sáng mai không còn. Tôi gọi bia, bắt đầu uống những ly đầu tiên, đeo tai nghe và mở bản nhạc quen thuộc, “chưa bao giờ”. Những âm thanh da diết, khiến tôi bồi hồi nhớ lại khoảng không của ký ức.

Có những miền đất tôi đặt mục tiêu phải đến một lần trong đời và có những lời rất muốn nói với một người, từ những ngày ấu thơ bên nhau. Nhưng bởi ngăn cách của thời tiết, của những cơn bão, của những lọc lừa, những dối trá của cuộc sống, của sự nghiệt ngã mà số phận ban tặng... Nên những miền đất ấy, tôi mãi mãi không thể tới, dù có cố gắng. Những lời muốn nói vẫn nằm lại phía sau của thời gian, và thật tồi tệ mỗi khi tôi có cơ hội gặp người ấy, thì cơ thể bắt đầu run rẩy, không biết sẽ nói điều gì.

Tôi đã bên cạnh cô ấy nhiều giai đoạn trong cuộc đời đã trải qua. Những tháng năm tuổi hai mươi đã nhìn thấy nhau gục ngã, đã cùng khóc với những nỗi đau. Bởi cô ấy, tôi đã đi tìm, đã đến rất nhiều nơi. Hiện tại, tôi đang ở đây để đặt hy vọng vào hai mươi phần trăm ít ỏi được đi ra đảo. Sau khi nhìn thấy cô ấy ở Sài gòn, trong cơn mưa định mệnh, tôi nghĩ rằng đó là may mắn, khi có thể gặp lại cô ấy. Bằng tất cả những thông tin có được từ các mối quan hệ, tôi biết cô ấy đang ở Côn Đảo. Nhưng dường như định mệnh đang cố gắng trêu đùa bằng một cơn bão hiếm khi xuất hiện ở miền nam. Đến khi này, tôi không thể biết liệu rằng có đủ may mắn để gặp cô ấy, để nói với cô ấy những điều chưa bao giờ.

Sau một khoảng thời gian chiến đấu với nỗi sợ hãi, tôi chỉ muốn gặp cô ấy. Để can đảm nắm tay thật chặt và bắt đầu nói, "anh sẽ kể một câu chuyện dài". Một câu chuyện đã giấu kín bấy lâu, một câu chuyện đã ám ảnh cho đến bây giờ. Điều cuối cùng khi kết thúc câu chuyện, tôi sẽ nói yêu cô ấy. Sau tất cả, tôi chỉ cần nhận được câu từ chối... Bởi tôi biết, sẽ chẳng bao giờ nhịp đập trái tim của nàng dành cho tôi.

Tôi nhắm mắt cầu nguyện.

Tiếng chuông điện thoại reo. Tôi nín thở, lặng thinh để chờ đợi điều may mắn. Nhưng cuối cùng tôi gần như gục ngã, khi được nghe thông báo hoãn chuyến tàu ngày mai. Ngày mai, cô ấy sẽ bay chuyến bay rời khỏi Việt Nam. Tôi sẽ không còn gặp lại cô ấy nữa. Tất cả những câu muốn nói chỉ còn trong giấc mơ, ru ngủ mỗi đêm dài thao thức.

Cuối cùng, điều bất giác tôi nhận ra, được gói gọn trong hai chữ, "duyên phận". Làm sao tôi có thể quên những điều chưa bao giờ. Làm sao tôi có thể quên những ngày đầy nắng, đầy mưa cùng nhau trải qua những khó nhọc cuộc đời. Làm sao có thể được, bởi còn những điều chất chứa. Tôi còn đi đâu, về đâu nữa khi chưa thể nói ra những lời muốn nói.

Bởi vì không thể quên những điều chưa bao giờ. Nên đành thôi, tôi lẩm nhẩm những lời trong bài hát, “chưa bao giờ”. Hát một bài hát mà từng lời hát giống như câu chuyện đã đi qua của năm tháng xưa cũ, để gửi gió đến với một người nơi phương xa. Dù thời gian có trôi qua thêm mười hay hai mươi năm nữa, nếu còn may mắn gặp lại, tôi vẫn sẽ nói, “anh yêu em”…

Đầu bếp ngồi nhâm nhi với tôi sau khi đã đem món mới tới. Anh ta giới thiệu những món ăn đặc sản của miền tây. Nhưng đến khi này tâm trạng của tôi không quan tâm tới cái dạ dày được. Anh ta không bỏ cuộc, nói với tôi, quán của anh có món mới ngày hôm nay, thịt chó. Tôi thực sự bất ngờ, khi anh nói, “miền bắc ai chẳng thích ăn thịt chó”.

Nhìn anh, tôi khẽ cười.

Tôi mơ màng hồi tưởng về những ngày ấu thơ, những ký ức đã trải qua khiến tôi không bao giờ ăn thịt chó nữa.

Bắc Giang, mùa ấu thơ.

Sau tiếng trống tan trường, tôi vội vàng chạy nhanh rời khỏi lớp học, bỏ mặc những lời mời rủ rê chơi bi lồ của hai người bạn.

Khiến cho chúng nó ngẩn ngơ, giọng than thở tiếc rẻ, “mày không chơi, tao biết bắt nạt ai bây giờ”. Cả hai ngạc nhiên không thể hiểu, tại sao một thằng thích chơi bi đến nỗi nằm ngủ gật trong lớp còn lẩm bẩm đếm từng viên bi, lại có thể từ bỏ một cách dễ dàng. Rồi chúng bước chân thẫn thờ ra về, khuôn mặt rầu rĩ như vừa mất trộm. Tôi hiểu cảm giác ấy, chúng nó không buồn sao được, khi mất đi một nhà tài trợ bi.

Tôi đứng trước cổng, hồi hộp đợi giây phút con Rex ra đón… Một hồi lâu trôi qua, đến khi mỏi chân, tôi ngồi xuống, khóc lóc ăn vạ ngay tại cổng nhà. Khiến cho mẹ tôi tức giận, cầm roi đến và doạ nạt, “Hớn… mày có vào nhà nhanh không thì bảo”. Tôi miễn cưỡng bước đi, mếu máo nói với mẹ, “sao con Rex đi chơi mấy ngày không về hả mẹ?”. Mẹ tôi bước vội vào bếp, bà đang mải suy nghĩ tới nồi canh chua, không mấy để ý tới những lời của tôi.

Đã ba ngày Rex đi chơi chưa về. Mỗi khi tôi đi học về, bước đến cổng nhà đã thấy Rex ngồi ngoan ngoãn ở đấy, vẫy đuôi tíu tít cười… Mấy hôm nay không thấy Rex bên cạnh, tôi bồn chồn, mất ăn, mất ngủ và thấy hụt hẫng. Những cơn gió mùa cứ thế táp vô mặt, nhưng tôi cũng không thể cảm nhận được cái lạnh của mùa đông buốt giá.

Rex là một người bạn, cứ mỗi buổi chiều hai đứa tôi lại đi thả trâu. Cả hai bắt đầu nô đùa trên thảm cỏ xanh, cười đùa cho đến khi mặt trời ngả sang màu vàng úa. Đến mùa gặt, Rex xông pha theo chân tôi đi bắt chuột. Cả lũ trẻ trâu phong cho Rex là dũng sĩ bắt chuột, bởi độ tinh ranh và ma quái hơn hẳn những con chó khác. Rex chỉ cần ngửi vô hang tối là biết ngay có chuột hay không, nếu có nó sẽ sủa inh ỏi báo hiệu... Việc của lũ trẻ chúng tôi là ôm theo một cuộn rơm và chạy đến châm lửa đốt. Khói bay mù mịt khắp cánh đồng, khiến thằng nào thằng đấy phải tránh xa. Còn Rex vẫn giữ nguyên tư thế, dũng cảm như một chú lính chì không quên nhiệm vụ.

Mùa nước lũ, nước dâng quá nửa cánh đồng, khiến cả cánh đồng bị chia cắt thành ba vùng khác biệt. Lũ trâu thường bơi hết cánh đồng này sang tới cánh đồng khác, khiến cho tôi không thể theo kịp. Tôi chưa biết bơi, nên mỗi khi trâu đi lạc sang cánh đồng khác, tôi lại phải gào inh ỏi để nhờ người lớn giúp đỡ. Sau này có Rex, chỉ cần mỗi lần chỉ tay ám hiệu là có ngay cứu tinh. Rex xông pha trên cạn bao nhiêu, thì dưới nước cũng không kém phần dũng mãnh. Rex bơi như một vận động viên, phăng phăng rẽ làn nước và sủa từng tiếng để lùa lũ trâu quay lại bờ.

Ngoài coi Rex là bạn, tôi còn biết ơn nó, bởi đã từng cứu mình. Đó là lần tôi tắm ngòi, do mải miết đuổi theo lũ hoa súng, tôi trượt chân tới vùng nước sâu. Rex trên bờ lao nhanh tới cánh đồng trên sủa inh ỏi, báo hiệu cho mọi người biết. Những người làm đi làm đồng đã kịp vớt tôi lên, với cái bụng căng tròn nước.

Rex thích chơi đùa với con Bông nhà cái Kẹo, cứ mỗi khi không có tôi ở nhà, là nó lại trốn sang đấy chơi. Cũng bởi vậy mà tôi có cơ hội gặp Kẹo thường xuyên hơn. Kẹo học giỏi, thi thoảng không làm được bài, tôi phải nhờ giúp. Nhưng nhiều khi Kẹo làm chảnh không giúp, khi đó Rex lại được tôi giao nhiệm vụ sang quấn lấy chân Kẹo, ngồi lầm lì ăn vạ ở đấy.

Dù biết phải nhờ vả nhiều, nhưng tôi vẫn cứ hay trêu đùa Kẹo, có khi quá trớn khiến Kẹo giận tôi đến mấy ngày. Khi ấy, tôi chẳng biết làm sao nữa, cứ ngồi im lặng hàng giờ bên bờ ao… Và tôi chợt nhớ anh Tài thường tán gái bằng cách tặng hoa, mỗi lần chị Cúc nhận được hoa là khuôn mặt rạng rỡ lắm. Nghĩ ngợi một hồi, tôi bèn chạy đi ăn trộm hoa và giao nhiệm vụ cho Rex đem tới cho Kẹo.

Kẹo hết giận tôi!

Tôi nghĩ, những cái đẹp thường khiến phụ nữ bị mê hoặc và dễ tính hơn.

Nhưng có một lần cô ấy giận tôi rất lâu, cũng bởi những bông hoa. Đó là những bông hoa hồng trồng trong vườn nhà chị Cúc. Tôi thích thú lắm sau khi ăn trộm xong, bèn giao nhiệm vụ cho Rex mang ngay tới cho Kẹo. Và khi thấy đoá hoa hồng, khuôn mặt của Kẹo đỏ hồng và hơn nửa tháng sau cô ấy ít nói chuyện với tôi hơn. Mỗi lần nói chuyện, tôi thấy cô ấy ngại ngùng, bẽn lẽn mỗi khi đưa mắt nhìn... Cô ấy càng có những hành động như vậy, càng khiến tôi có cảm giác xao xuyến, rạo rực khó tả. Khi ấy, tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra nữa. Khoảng thời gian ấy, tôi đâu biết và đâu có thể định nghĩa được tình yêu là thế nào.
Hôm nay, Rex tròn hai tuổi, tôi đã chuẩn bị sinh nhật cho nó từ một tuần trước. Lên kế hoạch cho Rex ăn gì và đi chơi ở đâu. Nhưng Rex vẫn chưa về, khiến tôi cứ thấp thỏm hết đứng lại ngồi, đi ra đi vào đến hơn chục lần. Tôi nghĩ, có khi nào Rex trốn đi để tạo bất ngờ, cũng có thể lắm chứ, bởi nó thông minh vậy mà. Tôi bịt mắt lại và mở ra, biết đâu Rex sẽ xuất hiện. Nhưng phép nhiệm màu không tồn tại.

Trước đêm Rex bỏ đi, các cô bác trong họ sang nhà tôi bàn chuyện tổ chức giỗ ông nội. Tôi nghe thấy bố nói năm nay sẽ tổ chức làm giỗ to, và cả nhà bàn chuyện ăn những món gì. Tôi khấp khởi vui mừng, ngồi học bài cũng chẳng thể tập trung. Giỗ ông nội là khi các anh chị họ về chơi, khi ấy tôi lại được tặng quà, những đồ chơi sặc sỡ, đầy mê hoặc.
 Sau đó, cả nhà thống nhất sẽ ăn thịt chó. Và tệ hại hơn, bố tôi quyết định sẽ làm thịt con Rex. Nghe đến vậy, đôi tay của tôi run rẩy và bủn rủn, đôi chân lao nhanh ra khỏi bàn học. Tôi khóc lóc, cầu xin với cả nhà, đừng làm thịt con Rex. Nhưng bố tôi không nghe, còn cho tôi mấy roi vì tội hỗn láo, dám nói leo chuyện của người lớn.

Đêm ấy, tôi trốn ngủ, rời khỏi giường và ôm Rex hết đêm…

Sáng hôm sau Rex mất tích.

Ngày giỗ ông nội, vẫn có món thịt chó, mọi người đến đông vui, cỗ bàn linh đình. Các bác vừa ăn thịt chó vừa khen ngon, nào thì thịt thơm nức, nào thì thịt béo ngậy... Còn tôi vẫn thì vẫn rầu rĩ nghĩ đến Rex, không biết nó có bị biến thành món ăn nào đó trên bàn nhậu không? Càng nghĩ, tôi càng mong ngóng Rex trở về.

Đang khi cả nhà cười nói vui vẻ, thì Kẹo chạy tới khóc nức nở, kêu gào đòi lại con Bông. Mặc cho mọi người dỗ dành, cô ấy vẫn khóc. Chỉ đến khi bố của Kẹo, cầm roi đánh cô ấy và kéo về nhà, thì tiếng khóc mới tạm lắng. Tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, vội chạy theo và hồn nhiên nói, “Bông đi chơi ở đâu à, để tớ đi tìm cùng nhé.”

Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt thật khác lạ, đôi mắt ướt đẫm lệ và nói, “cậu là đồ ác độc… đồ giết người… đồ dã man… ăn thịt cả con Bông, tớ sẽ không bao giờ chơi với cậu nữa…” Nói xong cô ấy chạy thẳng vào nhà, bỏ lại tôi đứng một mình giữa sân.

Tôi đứng chết lặng…

Đôi chân nặng nề không bước nổi. Tôi đứng đấy mặc kệ những tiếng gọi về của mẹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy một điều gì đó day dứt, với người mà tôi thích. Không biết đó có phải cảm giác hối lỗi hay không? Bởi một đứa trẻ sao biết được. Nhưng đó là cảm xúc khó diễn tả của một đứa trẻ. Run rẩy, nghẹn ngào cảm xúc khi nhìn cô ấy, người mà tôi yêu quý giận hờn.

Tôi đứng đấy một hồi lâu.
Những giọt nước mắt bắt đầu rơi, tôi nhớ tới Rex và tự nói một mình, “Rex ơi… mày đừng về, cứ chạy trốn đi…”
Từ đấy, tôi hứa với cô ấy, sẽ không bao giờ ăn thịt chó nữa.

Hà nội, mùa lá rụng.

Tôi thích mùa thu ở đây. Gió heo may nhè nhẹ khẽ lùa qua ô cửa sổ, những chiếc lá xào xạc rơi giữa phố. Buổi tối, trong tiết trời se lạnh, không có gì thích hơn được ngồi trên vỉa hè, hì hụi thổi bếp bên những củ khoai nướng. Nhưng thích hơn cả, phía sau yên xe đạp có người cùng tỉ tê những câu chuyện phiếm.

An Vy cô bé Kẹo ngày nào, giờ đã thành thiếu nữ luôn cùng tôi đi dạo phố. Trường của An Vy học cách không xa trường của tôi là mấy, nên chúng tôi có nhiều thời gian gặp nhau hơn. Chúng tôi lớn lên cùng nhau và không có gì tuyệt vời hơn khi cùng chia sẻ quãng thời gian thanh xuân tại nơi xa lạ. Cô ấy luôn khiến tôi có cảm giác yêu đời hơn và tràn đầy năng lượng mỗi ngày.

Cứ mùa thu về, tôi lại chở cô ấy dạo quanh một vòng bờ hồ, dừng tại quán kem Tràng Tiền, nếm thử vị buốt lạnh của các loại kem. Cùng thả mình trong sự bon chen, bên những ly trà chanh tại Nhà thờ. Lang thang thả mình trong những cơn gió mùa khẽ miên man trên cầu Long Biên… Chúng tôi cùng cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất để gió cuốn trôi theo những đợt sóng của sông Hồng.

Mỗi khi đi bên cạnh cô ấy, tôi có một cảm giác rất lạ. Đó là sự xao xuyến, nhịp đập trái tim rộn ràng… khó cất lên thành lời. Nhiều khi tôi muốn nói lời yêu với An Vy, nhưng tôi sợ rằng khi nói ra, sẽ mất cô ấy mãi mãi. Nên tôi cứ đắn đo, cân nhắc giữa việc nói ra hay không.
Ai cũng nghĩ chúng tôi là một đôi tình nhân. Đến cô bán khoai nướng cũng hay trêu đùa.

“Chúng mày đẹp đôi vậy mà không yêu nhau, thì còn yêu ai nữa.”

Tôi ngượng ngùng đáp lại.

“Không có duyên cô ạ”.

Cô bán khoai cười lớn.

“Thời chúng tao có duyên đếch đâu, cứ lấy nhau rồi yêu nhau sau. Có phức tạp như bọn mày bây giờ đâu, duyên với chẳng không duyên.”

“Lúc nào cũng đem chữ duyên ra để than thở. Sao anh không vứt quách chữ duyên vào một xó”. Vy nói nửa đùa nửa thật.

Cô bán khoai nháy mắt với tôi, như muốn ra hiệu cơ hội đã tới.

Sau buổi tối ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lời tỏ tình với Vy. Có lẽ tôi cũng cần một lần nói ra đúng cảm xúc của mình. Nói ra những điều chất chứa bấy lâu, có thể sẽ khiến tôi nhẹ lòng hơn. Tôi nghĩ suy những kịch bản, những lời sẽ nói… Cuối cùng tôi quyết định sẽ nói với cô ấy khi gió mùa về. Đó là những ngày tiết trời chuyển lạnh đột ngột, những cơn gió sẽ rít từng đợt dài. Tôi sẽ nói với cô ấy, bởi vì muốn kể với cô ấy một câu chuyện.

Tôi đã biết chắc chắn mình yêu An Vy, kể từ khi gió mùa về năm lớp mười. Đó là ngày chở cô ấy về sau những giờ học trên trường. Gió rét từng cơn thổi ào ào, tôi đã nhường chiếc áo khoác cho cô ấy. Trời lạnh, nhưng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình có thể chở che và bảo vệ một cô gái. Khi ấy tôi đã đủ lớn để hiểu rằng, thứ tình cảm dành cho cô ấy là tình yêu.

Tôi sẽ kể cho cô ấy nghe, suốt năm năm cô ấy đã xuất hiện trong giấc mơ của tôi như thế nào.
Những ngày cuối thu.

Tôi uống những ly rượu và hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời. Khi bị một người bạn lừa dối, tôi đã cắm thẻ sinh viên cho hắn mượn tiền. Cuối cùng hắn đã không thể trả nổi và rũ bỏ trách nhiệm. Tôi đang đứng trước nguy cơ ngập trong nợ nần.

Một, hai, ba… tôi đếm số ly rượu đã uống. Cho đến khi không thể nhớ nổi đã uống và hút bao nhiêu điếu thuốc. Đầu óc của tôi lâng lâng, nhưng cảm giác tức giận vẫn còn nguyên. Nếu không có lời khuyên của Tuyến, người bạn sống cùng phòng trọ, có lẽ tôi đã cầm dao tới gặp người bạn kia để giải quyết cho xong việc.

Sau khi đã gần say, tôi thấy Vy bước tới và nói với giọng giận giữ.

“Bao nhiêu rượu mới giúp anh nguôi giận?”

Một câu hỏi khó với một người đang uống rượu.

Đồng hồ điểm 22 giờ 30 phút.

“Anh còn uống nữa, làm sao đưa em về đây? Xe bus hết giờ chạy, mà ký túc xá trường em sắp đóng cửa rồi.”

Tôi đứng dậy, bước chân loạng choạng và ngã ngay giữa sàn nhà.

“Thôi để đấy, tao đưa cô ấy về”. Tiếng của Tuyến cắt ngang. Tôi chưa bao giờ thấy nó nhiệt tình đến vậy. Nên cũng ngạc nhiên, nhưng cũng còn cách nào khác đâu khi tôi đã say mèm rồi.

Bên ngoài trời vẫn mưa.

Một khoảng thời gian trôi qua, hai người họ quay trở lại.

“Ký túc xá đóng cửa rồi”. Tuyến nói và nở một nụ cười đầy khó hiểu. Từ tối đến giờ, nó chỉ uống một vài chén với tôi, như cố diễn khuôn mặt đồng cảm. Nhưng tôi chưa thấy Tuyến cười một cách đầy khó hiểu đến vậy.

“Anh vẫn chưa ngừng uống à?”. Vy thở dài và nói.

Tôi chỉ biết lắc đầu. Tôi vẫn chưa thể nghĩ ra cách trả nợ, khi chủ nợ dọa sẽ tìm đến phòng công tác sinh viên và báo cho gia đình. Số tiền ấy quá lớn, làm sao mẹ tôi có thể chịu đựng được cú sốc này.

“Vậy để em uống cùng anh nhé.”

Từng ly rượu được rót đầy, tôi và Vy cứ thế uống cạn. Tôi thấy nhẹ lòng, khi ít nhất có một người bên cạnh lúc này.

Nửa đêm.

Ở đâu đó vọng đến những tiếng kêu cứu, “Anh ơi… cứu em… cứu em.”

Lấy tay lâng cái đầu đang đau nhức vì rượu, tôi cố gắng leo lên tầng hai. Từng bước chân loạng choạng leo lên cầu thang, tôi nghe những tiếng kêu cứu càng rõ ràng hơn. Đó là tiếng của Vy, nhưng đôi chân của tôi không thể đi nhanh hơn, đôi mắt đang lờ đờ vì rượu.

Trước mặt tôi, An Vy đang bị Tuyến hãm hiếp. Ngay khi nhìn thấy, tôi bàng hoàng bừng tỉnh và lao nhanh tới. Tôi cố gắng kéo Tuyến ra, dùng đôi tay để đấm loạn xạ về phía trước. Nhưng toàn bộ sức lực dường như không bõ bèn gì sau cái gạt tay của Tuyến. Những tiếng gào khóc của Vy càng khiến tôi đau đớn, buốt nhói trong tim. Bằng chút sực lực cuối cùng, tôi cố gắng ném chiếc ghế về phía của kẻ khốn nạn.

Tuyến dừng lại, vẻ mặt thoả mãn như một con thú đã săn được mồi. Từng hàng nước mắt cứ thế rơi trong đôi mắt của hai kẻ bại trận.

“Tao xin lỗi… tao không kiềm chế được”. Tiếng của thằng Tuyến cất lên.

“Thằng chó… tao phải giết mày.”

Tôi cầm được cái kéo và lao nhanh tới, nhưng sau cái gạt tay của Tuyến, tôi ngã ngay xuống sàn.

“Tao xin lỗi, tao không biết cô ấy còn trinh… Ai nghĩ mày lại tử tế đến vậy, gái ngon đến miệng mà không biết đường xơi.”

Mắt của tôi nhoè đi vì những hàng lệ lăn dài. Tôi không dám nhìn Vy, cô ấy đang cố gắng kéo chiếc chăn để chùm kín cơ thể... Những tiếng khóc của cô ấy cứ thế tan dần vào đêm tĩnh lặng. Khiến tôi đau đớn, buốt nhói một cách khó tả.

Tôi ngồi lặng mình ở đấy và nghẹn ngào nói lời xin lỗi. Vy tát tôi khi chưa kịp kết thúc câu nói.

“Đồ hèn… anh ở đâu? Đồ hèn… anh đã ở đâu?”. Cô ấy gào khóc nức nở.

Tôi đau đớn đến nghẹn thở… tôi ngồi đó, nhìn vào khoảng không vô định. Tôi dằn vặt, sám hối với bản thân, đã ngu ngốc khi tìm đến rượu. Đã hèn nhát khi không bảo vệ được người mình yêu. Tôi thở dài…

Đêm đó trôi qua thật dài.

Sài gòn, mùa giá lạnh.

Sài gòn không có mùa đông. Chỉ có tiết trời se lạnh vào những ngày cuối đông, để vơi nỗi nhớ mùa đông, an ủi những người miền bắc xa quê. Những đêm gần ngày Noel, cái lạnh đến nhiều hơn, khiến người ta phải khoác thêm áo ra đường. Đó là khoảng thời gian lạnh nhất trong một năm diễn ra ở nơi đây.

Nhưng kể từ khi trở về sau khi bị hoãn chuyến đi ra đảo, từng đêm dài trôi qua tôi cảm thấy lạnh lẽo một cách lạ thường. Tôi đã trải qua những ngày cố gắng ép bản thân để quên đi quá khứ, việc đó đã từng được coi là dễ dàng. Ấy vậy, từ khi bắt gặp cô ấy, từng mảng ký ức đi kèm với sự ăn năn, hối lỗi cứ bám riết… Tôi biết, quá khứ ấy đã nằm sâu trong tiềm thức và chỉ còn cách đối diện.

Từng ngày ảm đạm trôi qua, không khác những ngày của mùa đông tồi tệ năm ấy. Khi cơn gió mùa về, tôi đang chìm ngập trong tuyệt vọng. Gia đình phải lên trả nợ, nhà trường kỷ luật khi đánh người đến nhập viện. Người tôi yêu đã không nhìn mặt và tránh xa. Tôi như một kẻ cô độc giữa thành phố xa lạ.

Tôi vẫn cố gắng đến tìm cô ấy thường xuyên, nhưng ở phía rất xa. Tôi nhìn cô ấy mạnh mẽ lên từng ngày. Điều đó khiến tôi như được thêm phần an ủi. Nhưng tôi đã không còn thấy những nụ cười yêu đời nữa, cô ấy đã trầm tính hơn rất nhiều. Nét phảng phất buồn vẫn không rời xa theo những tháng năm dài trôi qua.

Ngày cô ấy bảo vệ khóa luận, tôi lặng lẽ đứng nhìn ở phía sau cánh cửa. Cảm giác của tôi còn hồi hộp hơn người đang đứng trên bục giảng trình bày. Ngày cô ấy nhận bằng tốt nghiệp, tôi chỉ muốn chạy đến ôm cô ấy thật chặt. Tôi lặng mình trốn tránh giữa biển người, mừng rỡ nở nụ cười thơ dại.

Ngày cô ấy làm việc đầu tiên, tôi lặng lẽ nép mình dưới quán trá đá dưới cổng. Nhìn cô ấy bắt đầu một cuộc sống. Những tưởng những lần xuất hiện ấy sẽ không khiến cô ấy phát hiện ra tôi. Nhưng đến một ngày, cô ấy phát hiện ra tôi đang đứng nhìn cô ấy. Khi đó, tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của Vy.

“Anh đừng làm phiền tôi nữa, có được không?”

Tôi ấp úng, ngượng ngùng.

“Anh… anh đ ingang qua đây. Không ngờ gặp em ở đây… em dạo này khỏe chứ?”

Cô ấy giận dữ, nói lớn tiếng.

“Đừng tưởng tôi không biết anh theo sau tôi bấy lâu. Anh làm ơn để cho tôi yên được không? Đừng tìm tôi nữa.”

Tôi chỉ muốn bước đến, cầm tay siết thật chặt cô ấy. Để nói lời xin lỗi, dù không mong nhận lời tha thứ. Nhưng trái tim như nghẹn thở, tôi không dám bước đến.

“Đồ hèn nhát… vĩnh biệt anh… và đừng tìm tôi nữa.”

Cô ấy quay lưng, bước đi vội vàng. Tôi đứng đó, cho những cơn gió khẽ khàng từng đợt trôi qua táp vô mặt.

Tôi vẫn dõi theo từng bước chân của cô ấy. Cho đến khi cô ấy rời xa Hà nội và biến mất. Tôi đi tìm cô ấy trong vô vọng. Ở nhà cũng không hay tin cô ấy làm ở đâu, bạn bè cũng không biết cô ấy đã đến nơi nào. Toàn bộ mạng xã hội được thay đổi, duy chỉ có số điện thoại của cô ấy để liên lạc với gia đình. Nhưng cô ấy đã chặn số của tôi, dù có ngày tôi đã gọi đến hơn hai trăm cuộc điện thoại.

Tôi cũng rời xa Hà nội từ khi ấy, để bắt đầu một cuộc sống mới. Một cuộc sống quên đi những điều tệ hại đã xảy ra trong quá khứ. Tôi chọn đến Sài gòn, xa thật xa để thử thách chính mình. Đến đây để tôi chỉ có ưu tiên hàng đầu cho công việc. Ngoài ra, không còn thứ gì tồn tại trong đời.

Đà Lạt, mùa dã quỳ.

Ở đây có loài hoa dã quỳ, rực rỡ sắc vàng, như màu của nắng ban mai tràn đầy sức sống và hy vọng. Ở đây có cái lạnh se sắt nhưng không quá buốt giá. Ở đây có tiết trời dịu êm, đầy những thơ mộng… Đó là tất cả lý do An Vy thích nơi này, không xô bồ, bon chen và tránh được những gương mặt người. Cô chọn nơi này để thực hiện ước mơ, sớm có một Stay home của riêng mình.

Sáng nay, qua tấm kính của khách sạn, cô nhìn thấy bản thân mình rõ hơn. Theo thời gian, cô không còn chút oán trách sự bất công mà cuộc sống này ban tặng. Ngày mà cô nói lời biệt ly với anh ấy, tưởng chừng cô sẽ gục ngã, không thể đứng dậy. Nhưng rồi những vết thương chỉ sâu thêm, không khiến cô tuyệt vọng quá lâu. Cô phải sống, để xem cuộc đời này còn bao nhiêu bất hạnh nữa sẽ xảy đến.

Cô chợt nhớ đến anh, người đã khiến cuộc sống của cô thay đổi. Cô yêu anh ấy, chính bởi tình yêu mà cô lựa chọn rời xa. Ngày mà cô nói vĩnh biệt với anh ấy ở Hà nội, khi quay lưng bước đi, cô đã bật khóc. Cô khóc vì cô luôn thấy vững tâm khi có anh ở phía sau. Cô khóc vì yêu anh nên phải chọn rời xa... Trong sâu thẳm trái tim mình, cô đã tha thứ cho anh từ rất lâu rồi. Vy trách móc anh hèn nhát, bởi có lời yêu thôi mà không dám nói ra.

Chỉ cần anh ấy nói ra, cô sẽ nhận lời ngay. Nhưng cô chờ đợi câu nói ấy từ khi còn là học sinh, được anh chở đến trường mỗi ngày. Nếu anh ấy can đảm để nói ra, có lẽ cuộc đời của cô đã không gặp những bi kịch như bây giờ. Nhưng cuộc sống mà, để con người ta tiếc nuối những điều chưa bao giờ làm được.

Ngày mà cô xảy thai, cái thai của sự tồi tệ trong đêm ấy. Cô đã nhận được bản án đau đớn, cô không còn thiên chức làm mẹ. Khi ấy, những ý muốn ích kỷ chiếm giữ anh ấy mãi mãi đã thoáng qua trong suy nghĩ. Những đêm khi cô đơn một mình, cô chỉ muốn nhấc máy và gọi điện cho anh ấy. Những lần biết anh ở phía sau, cô chỉ muốn chạy đến, nép vào bờ vai và nức nở những tiếng nghẹn ngào…

Nhưng cô vẫn phải chạy trốn, không thể mù quáng được nữa. Sẽ ra sao khi gia đình anh ấy không đồng ý, sẽ ra sao khi phải chia tay khi hai người đã kết hôn. Cô nghĩ tới viễn cảnh ấy, bởi vì cô biết rõ gia đình anh, không thể chấp nhận người con trưởng không có người nối dõi.

Chưa khi nào cô oán trách anh, bởi cô đã yêu. Cô chọn cách im lặng, sự im lặng đó khiến những giọt nước mắt sẽ không còn rơi. Nhưng trong lòng cô, đôi lần khóc mãi, xót xa và những giọt nước mắt cào cấu cô một cách đau đớn… An Vy lặng mình đứng ngắm những ánh nắng dịu dàng, lắng nghe tiếng gió xôn xao và xoa dịu bớt những nỗi lòng của cô.
Tôi đã đến Đà Lạt nhiều lần. Có những lần lang thang một mình, suy tư bên cây thông già cô đơn. Có những lần nắm tay người yêu, lang thang trên thung lũng tình yêu. Cùng nhau dạo phố, ngắm sắc hoa đủ màu ở nơi này. Có những đêm, trao những nụ hôn nồng cháy cùng người yêu mình giữa cái lạnh rất riêng của Đà Lạt.

Những ngày cuối tuần của những năm tháng tuổi hai mươi chín. Tôi tìm đến nơi này khi vừa chia tay người yêu. Cô ấy nói tôi là kẻ kỳ lạ, chất chứa những điều khó nói và cô ấy sẽ không hạnh phúc khi ở bên tôi. Tôi chỉ biết cười và chúc phúc cho cô ấy. Thực sự thì đến tôi còn không hiểu trái tim của mình lạc lối ở đâu nữa.

Kế hoạch đến Đà Lạt lần này khiến tôi háo hức lạ thường. Tôi cảm thấy mình như tràn đầy sức sống khi đến đây. Vậy mà tôi đã gặp ngay rắc rối nhỏ khi đến khách sạn.

“Xin lỗi anh, do sơ suất nên phòng của anh đặt đã có khách ở rồi. Anh vui lòng sang ở bên khách sạn cơ sở hai của chúng em ạ. Một lần nữa cho chúng em xin lỗi về sơ suất này ạ”. Cô lễ tân nói và nở một nụ cười chuyên nghiệp về phía tôi.

Tôi cáu giận.

“Anh không chấp nhận điều này. Em phải cho anh lý do thỏa đáng. Tại sao anh đã đặt phòng từ cách đây một tuần, mà em lại nói có người khác ở là sao?”

“Xin lỗi anh. Do khách ở phòng của anh thay đổi kế hoạch, nên họ chưa trả phòng. Anh thông cảm cho chúng em, mùa du lịch nên chúng em không thể lường trước được.”

Tôi vẫn chưa nguôi tức giận với lý do lãng xẹt này. Chẳng nhẽ khách sạn có hàng mấy chục phòng, lại để xảy ra chuyện này. Tôi yêu cầu lễ tân cho gặp quản lý, để góp ý về sự thiếu chuyên nghiệp.

Năm phút sau.

“Anh ơi, đây là quản lý của chúng em”. Cô lễ tân vội vàng thông báo.

Bốn ánh mắt chạm nhau, ngỡ ngàng và đầy ngạc nhiên… Tim tôi đập dữ dội, trong lòng thốt lên những câu hỏi, An Vy đây sao? Phải nói và làm gì bây giờ?...

Tôi mất bình tĩnh là vậy, nhưng cô ấy vẫn bình thản giải thích và kêu xe rước tôi sang khách sạn cơ sở hai. Lúc trước tôi nóng giận bao nhiêu, giờ tôi như một đứa trẻ ngây thơ, nghe theo lời hướng dẫn không chút phản đối.

Đến khách sạn, tôi bần thần một hồi lâu. Trước khi sực tỉnh nhắc nhở bản thân, đây sẽ là cơ hội cuối cùng của tôi. Khi đó, một kế hoạch được viết lên nhanh chóng. Không đợi thời gian trôi qua thêm nữa, tôi vội vàng đi tìm cô ấy.

Tôi tìm mua một chiếc đàn guitar và quay trở lại gặp Vy. Cô ấy vẫn đang ở quầy lễ tân. Mặc kệ những ánh mắt nhìn lạ lẫm, tôi đàn và hát bài hát, “chưa bao giờ”. Khi đoạn hát đến đoạn cao trào, vừa hát đôi mắt của tôi vừa rơm rớm những hàng lệ. Có lẽ những lời hát ấy, thay lời muốn nói của tôi.

“Bây giờ anh biết vì sao gặp nhau biển xô sóng trào
Ngồi nghe chiều yên gió lặng, giữa muôn vàn hoa
Đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi
Thiên đường xưa khép lại từ muôn năm rồi.
Thiên đường đã khép nguồn cơn, từ hôm dòng sông rũ mình
Quên được không những điều đã bao giờ qua
Quên được mỗi sáng mùa đông
Nhìn ra ngày sương giá về
Quên được không những điều… ta chưa bao giờ”

Những lời hát cuối cùng cất lên, tôi nhìn cô ấy cũng đang rơm rớm những dòng lệ. Vội vàng, tôi kéo cô ấy ra khuôn viên của khách sạn để tránh những ánh mắt hiếu kỳ đang đổ dồn về phía chúng tôi. Tôi ngăn những tiếng nức nở và bắt đầu nói, “anh sẽ kể cho em một câu chuyện…” Cứ vậy những điều chất chứa bao nhiêu lâu nay được cất lên một cách thổn thức. Cứ vậy tôi thành thật với chính mình, với người mà tôi yêu bấy lâu.

“Cuối cùng… anh chỉ muốn nói điều bấy lâu nay chưa từng dám nói… Anh yêu em.”

Tôi không dám nhìn vào đôi mắt của cô ấy.

Cô ấy bước đến gần, trái tim tôi đập mạnh, xốn xang và ngừng thở. Cô ấy dung hai tay đánh tôi, những cái đánh đi kèm với tiếng khóc nức nở.

“Sao bây giờ anh mới nói ra những lời này…”

Tôi vội vàng ôm cô ấy thật chặt. Những tiếng khóc của cô ấy cứ nức nở lên từng hồi. Đôi mắt của tôi cũng nhòe đi vì những cơn gió.

“Em cứ khóc hết những uất ức đã có bấy lâu. Bởi vì sau này bờ vai của anh sẽ chở che cho em tháng ngày, sẽ không để em bị tổn thương nữa”. Tôi tự nhủ lòng mình như vậy.

Tôi trao em đóa hoa dã quỳ rực rỡ giữa ánh nắng. Loài hoa chứa đựng sự dẻo dai, mạnh mẽ vươn mình sống giữa sương gió của đất Tây nguyên này. Tôi muốn gửi gắm ở đấy, một tình yêu mãnh liệt, chung thủy… Dù cho cuộc đời này có bão giông như thế nào đi chăng nữa, tôi và em vẫn sẽ vượt qua.

Tôi nhìn thẳng vào mắt cô ấy.

“Anh đã từng mất niềm tin nhiều lần… Nhưng sâu thẳm trong tim, luôn hối thúc anh vượt qua. Anh không nghĩ, giữa những bão giông đã gặp phải… ông trời lại tạo mối lương duyên cho anh gặp em. Hứa với anh, đừng rời xa dù có bất kỳ chuyện gì xảy đến nhé.”

Cô ấy gật đầu, khẽ nép vào ngực tôi và nói.

“Em yêu anh.”

Suốt những năm tháng tuổi thanh xuân, tôi đã trải qua sự chênh vênh và luôn tự hỏi mình, nơi đâu có bình yên? Nhưng ngay khi này, tôi biết được rằng, được ở bên cạnh cô ấy, chính là nơi bình yên. Tôi tự hứa với mình, sẽ không bao giờ đánh mất bình yên thêm một lần nào nữa.